Thứ Tư, 5 tháng 9, 2007

Nhớ thầy học - nhà thơ Tạ Ký

Mộ phần: http://www.petrusky.org/taky_tomb.htm

Cách nay 33 năm , lúc thực hiện Báo Xuân P.Ký 1975, ngoài phần bài vở của học sinh, ban biên tập gồm Luân, Hoàn và một số bạn khác bàn nhau dành phần đầu Đặc san để “ đi” 2 bài của các thầy Nguyễn Xuân Hoàng và thầy Tạ Ký, là những giáo sư của trường có vị trí nhất định trong giới văn học nghệ thuật miền Nam thời ấy.

Nhà thơ Tạ Ký, danh tiếng lẫy lừng, mới đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật của Phủ Tổng Thống về thơ cách đó ít năm (1972) với thi phẩm Sầu ở lại.
Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đang là thư ký tòa soạn tạp chi Văn (một tạp chi văn chương danh giá đương thời)

Tôi lãnh nhiệm vụ đi xin bài viết của các thầy.Gặp thầy Hoàng trước, tôi đề nghị thầy đưa cho bản thảo bài viết diễn văn đọc trong buổi lễ “ Ngày nhớ ơn thầy” tổ chức vào ngày 06 tháng 12 năm đó.Năm 1975 , là năm đầu tiên tổ chức sự kiện này nên buổi lể làm rất trang trọng.Co tổ chức hội trại, trình diễn văn nghệ, thể thao, thi bích báo…Có sự hiện diện của Phụ tá Tổng trưởng Bộ Giáo dục là thầy Nguyễn Thanh Liêm . Tôi còn nhớ phần kết rất cảm động của bài nói này, thầy Hoàng đã trích một đoạn thư của cha An Di gửi cho con :” An Di con ơi…( An Di – Enrico - là nhân vật chính trong tác phẩm Les Grands Coeurs của nhà văn Ý Edmond De Amicis – chuyển ngữ từ tiếng Pháp sang tiếng Việt với tên Tâm hồn cao thượng ) … Sau tiếng Cha, thì tiếng Thày là tiếng gọi xứng đáng nhất mà một người có thể dành tặng cho một người … ” và theo “lịnh” của thầy Hoàng, tôi đã viết 1 chapeau cho bài này để đăng trong số báo Xuân năm ấy .

Còn Thày Tạ Ký thì đưa cho 2 bài thơ xé trong tập bản thảo đánh máy chưa in :
Bài thứ nhất là một bài thất ngôn bát cú :

Từ Hội Đạp thanh

Một vó câu từ hội Đạp thanh
Làm đau luôn cả khách biên đình
Bên cầu tơ liễu duyên e ấp
Giữa chốn ba quân nhạc rập rình
Vườn Thúy mở ra trang lệ sử
Châu Thai khép lại chuyện u tình
Bình rơi trâm gãy còn chi nữa
Vời bãi sông Tiền nấm cỏ xanh*

* Câu này, tôi nhớ áng chừng, không chắc đúng, vậy để tồn nghi

Bài thứ hai là một bài thơ buồn hình như gắn liền với sự kiện gia đình riêng của thầy :

Nhớ thêm

Em có về trong khói thuốc say?
Em có về trong ly rượu đầy?
Em có về trong thương với nhớ?
Em có về trong mộng đêm nay?

Em đâu về vì em quên anh!
Em đâu về hoang vu kinh thành..
Tại em nên thức nhiều đêm trắng,
Khói thuốc che mờ mái tóc xanh

Anh đi tìm em qua cánh chim,
Anh đi tìm em qua bao đêm,
Cánh chim đã lướt theo chiều gió,
Hơi rượu càng làm anh nhớ thêm.

Bài này, về sau khi bọn tôi , Hoàn và Anh đưa xuống nhà in Trí Đăng – đường Nguyễn Thiện Thuật sắp chử xong chuẩn bị in thi thầy đã lẳng lặng đổi bằng bài khác “ Bài ca xuân cho người già “ với lý do nôi dung bài Nhớ thêm quá bi thương không phù hợp với tuổi học trò. Ây là lời bác Châu Anh- quản lý nhà in nói lại.Bài này hồi các Diops còn ở Viet nam, buổi nhậu nào tôi cũng đọc…Tôi còn nhớ những năm 1980, trong một buổi nhậu rượu đế với Trần Long Ẩn( nhạc sĩ – tác giả Người mẹ Bàn Cờ - cựư sinh viên Văn Khoa - Triết Đông ), khi nghe bài này, đã nức nở khen hay.

Hay như bốn câu này, nhạc sĩ Y Vân đã mượn tứ thơ để phát triển và soạn bài hát “ Buồn” nổi tiếng.
“….Buồn như ly rượu đầy,Không có ai cùng cạn, Buồn như ly rượu cạn, Không còn bạn để say…”

Những năm sau này, tình cờ vào www.petrusky.org , lại tìm được một số đoạn thơ , mà nay đã trở thành di cảo của nhà thơ.
Như một đoạn trong bài “ Sầu ở lại “ này….

“…..Đời lỡ nhúng sầu bên cốc rượu,
Mượn vui bè bạn sống qua ngày,
Đoạn trường hơn cả thân ca kỹ
Cơm áo làm nên chuyện nước mây…
Năm cùng tháng tận đời hoang vắng
Bên quán ngờ đâu gặp lại mày
Gọi để mừng nhau khi hội ngộ
Thì xin hãy cạn chục ly đầy
Quàng vai tìm chút dư hương cũ
Nhắc đến hàng trăm chuyện đổi thay…
Nhắc đến những thằng… nay đã chết
Những thằng đang sống kiếp trâu cày
Bạn ơi, nước mắt minh tuôn đấy…
Ngồi nhậu bên đường…ta khóc đây…. “

Và hai câu thơ gần như là thơ tuyệt mệnh, khắc trên bia mộ do thân hữu và gia đình lập:

"Thân cát bụi chẳng còn chi nuối tiếc
Nhưng lòng riêng khao khát chút tình thương..."

Để kết bài viết này tôi xin mượn một câu của bạn Đỗ Kha( P.Ký 76) :
“…Hãy dành phút mặt niệm cho người quá cố. Người thi sĩ bạc mệnh., Người thầy tuy nghiêm khắc nhưng hài hòa, tuy mực thước nhưng rộng lượng." như một nén nhang lòng kính dâng lên thầy.

Không có nhận xét nào: